Giới thiệu chung
KHÁI QUÁT
VỀ SỰ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH LONG AN
(1975 – 2010)
____________
I. GIAI ĐOẠN 1975- 1986:
-Ngay sau ngày Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất (30-4-1975),cùng với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, chính quyền Cách mạng của tỉnh bắt tay ngay vào việc tiến hành cải tạo nền giáo dục cũ của Mỹ- Ngụy, xây dựng nền giáo dục mới XHCN (về cơ cấu tổ chức, nội dung chương trình, sách giáo khoa, sử dụng đội ngũ giáo viên).Phát triển mạnh mẽ mạng lưới trường lớp đến tận xã, ấp, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Hệ thống giáo dục gồm 4 ngành học gồm giáo dục mẫu giáo, giáo dục phổ thông, bổ túc văn hóa, giáo dục chuyên nghiệp được hình thành và phát triển.Số học sinh tăng nhanh, từ vài chục cháu trước giải phóng, đến năm học1984-1985, số học sinh mẫu giáo đã lên đến 23.000 cháu.Số học sinh phổ thông tăng từ100.000 lên 240.000 học sinh. Nhiều xã có trường bổ túc văn hóa (BTVH) Cấp I, Cấp II, huyện có trường BTVH Cấp III thu hút hàng ngàn cán bộ và nhân dân tham gia học tập.Cùng với việc củng cố trường trung cấp sư phạm,tỉnh thành lập trường Sư phạm Cấp II để đào tạo giáo viên phục vụ cho yêu cầu phát triển giáo dục. Một thành tựu nổi bật của tỉnh là năm 1977, tức là chỉ sau một năm rưỡi được giải phóng, tỉnh Long An đã xóa mù chữ cho 45.834 người, được Nhà nước công nhận hoàn thành xóa nạn mù chữ và được tặng thường Huân chương Lao động hạng nhất đối với tỉnh Long An và Huân chương lao động hạng ba đối với huyện Đức Huệ và Châu Thành.
Nguyên lý" Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội" được các trường học trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, từ đó chất lượng giáo dục có nhiều thay đổi, các hoạt động của nhà trường ngày càng gắn với thực tiễn đời sống và thực tế sản xuất.
Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục,giáo viên , từ rất sớm, tỉnh đã thành lập các trường đào tạo gồm trường trung học sư phạm, trường sư phạm Cấp II, trường cán bộ quản lý và trong giai đoạn (1976-1986), các trường này đã đào tạo trên 8.000 CBQL, giáo viên từ mầm non, tiểu học, THCS đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển giáo dục ở địa phương.Các cuộc vận động lớn trong ngành như:"Phong trào Tấm gương sáng", "Chiến dịch Điện Biên Phủ"," Chiến dịch Hồ Chí Minh" "Phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt"vào những năm 1980 đã trở thành các đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong ngành góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ về các mặt nhận thức chính trị, tình cảm nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tinh thần vượt khó, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục dưới mái trường XHCN.
II.GIAI ĐOẠN 1986- 2010
Đây là giai đoạn đánh dấu sự đổi mới, phát triển .Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến quan trọng cả về phát triển quy mô số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh đề ra trong từng giai đoạn.
Hệ thống, mạng lưới trường học trong tỉnh đã phát triển rộng khắp với 609 trường ở các cấp học, ngành học.Tất cả các xã (phường, thị trấn) kể cả vùng sâu, vùng xa đều có trường hoặc lớp mầm non, trường tiểu học, trường hoặc liên trường trung học cơ sở (THCS), trung tâm học tập cộng đồng. Huyện có trường trung học phổ thông (THPT), trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhiều huyện như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thị xã Tân An có 3-4 trường THPT.Hệ thống trường Trung cấp chuyên nghiệp,Cao đẳng , Đại học có bước phát triển. Trường Đại học Kinh tế-Công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hệ thống, mạng lưới trường lớp trong tỉnh mở rộng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân được đến trường.Nếu sau giải phóng, toàn tỉnh có khoảng 100.000 học sinh, đến năm học 1984-1985 lên 240.000 và đến nay có gần 300.000 học sinh, sinh viên.Có 95% trẻ 5 tuổi được vào mẫu giáo; 99,5% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 98,6% trẻ hết cấp tiểu học vào lớp 6; 88,8% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10. Có 133 sinh viên cao đẳng, đại học/1vạn dân.
Năm 1998, tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ. Năm 2005, được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 12/2007, toàn tình đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và hiện nay đang triển khai thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học. Mặt bằng dân trí được nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện là điều kiện quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Cùng với việc phát triển quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo không ngừng được nâng cao. Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" được tập trung thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT có nhiều chuyển biến. Số trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày gia tăng. Có 76 trường (17 trường mầm non và 57 trường tiểu học, 02 trường THCS) được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong nhiều năm liên tục, tỷ lệ học sinh hết cấp THCS luôn đạt khoảng 98%, tốt nghiệp trung học phổ thông ở mức trên 80%.Từ năm 2005 trở lại đây, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm bình quân 30-40% (Năm 2007 đạt 47,9% và năm 2008 đạt 52,1% so với tổng số học sinh tốt nghiệp THPT.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo,tỉnh đã không ngừng tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dạy học, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục. Tỷ lệ đầu tư ngân sách cho giáo dục đạt 25% GDP của tỉnh. Nhiều chương trình, đề án như chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đề án xây dựng trường học từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, chương trình tăng cường sở sở vật chất cho các trường vùng sâu, dự án giáo dục dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chương trình đổi mới nội dung giáo dục phổ thông, chương trình đưa tin học vào nhà trường…được triển khai thực hiện đã góp phần tăng cường đáng kể về điều kiện cở sở vật chất, thiết bị theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa.Toàn ngành có trên 17.000 CB.GV.NV tăng nhiều so với trước đây, trong đó giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở mầm non đạt 93,9%, ở tiểu học 98,4%, THCS 99,1%, THPT 95,7%, có 4 Tiến sĩ, 69 Thạc sĩ và 79 CB.GV đang theo học các lớp sau đại học. Công tác quản lý ngành có nhiều đổi mới theo tinh thần phân cấp, phát huy sự năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của cơ sở, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, trường học, vai trò tham mưu của ngành giáo dục với Cấp ủy, Chính quyền, phối hợp với các ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ đó đã thu hút ngày càng nhiều những dự án đầu tư mở trường tư thục, nhất là ở mầm non, THPT,cao đẳng, đại học, dạy nghề. Tỷ lệ học sinh học tập ở các trường, lớp ngoài công lập đạt 14% ở mẫu giáo, 20,4% ở THPT. Trường cao đẳng nghề Ladec, trường đại học kinh tế- công nghiệp Long An mỗi năm thu hút hàng ngàn sinh viên vào học.Phong trào khuyến học, khuyến tài trong những năm gần đây phát triển khá mạnh, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân đã có những đóng góp quan trọng tạo thêm nguồn lực phát triển giáo dục.
Nhìn lại chặng đường 34 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã không ngừng phát triển, nâng cao mặt bằng dân trí cho nhân dân trong tỉnh, đào tạo hàng chục nghìn học sinh, sinh viên có trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế- xã hội của tỉnh, trong đó nhiều người trở thành những cán bộ quản lý, những công chức, viên chức, người lao động giỏi đang công tác ở các lĩnh vực trong và ngoài tỉnh hiện nay.
Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đang nỗ lực để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa theo hướng hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa nhằm góp phần phục vụ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa của tỉnh trong thời gian sắp tới.
_______